Để giúp giáo viên THPT trên địa bàn thành phố có cái nhìn toàn diện và bao quát về giáo dục STEM trong từng môn học, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) vừa tổ chức “Hội giảng Liên môn định hướng giáo dục STEM” ở nhiều bộ môn.
Hoạt động này nằm trong chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM mà Trường THPT Gia Định là đơn vị thực hiện thí điểm. Qua từng tiết học STEM cụ thể, không chỉ mang đến cho giáo viên ở nhiều trường cái nhìn toàn cảnh về bức tranh STEM trong môn học mà qua đó còn khuyến khích các thầy cô thay đổi, mạnh dạn đưa những điều mới vào bài giảng. Đặc biệt, đây là bước đệm để chuẩn bị đưa giáo dục theo định hướng STEM vào giảng dạy tại TP.HCM.
“Vỡ” ra nhiều điều mới mẻ
Tiết dạy bài “Ghép nguồn thành bộ” trong môn vật lý ở lớp 11CTin được thầy Tô Lâm Vĩnh Khoa (giáo viên môn vật lý của trường) triển khai theo cách mới toanh. Thay vì dạy chay, từ kiến thức trong bài, thầy Vĩnh Khoa đặt ra vấn đề và yêu cầu học sinh lên ý tưởng để làm ra pin sạc dự phòng. Như chạm đúng mạch khi pin sạc dự phòng gần như là vật “bất ly thân” của nhiều người và ngay cả với học sinh trong thời 4.0 ngày nay. Do vậy, học sinh trong lớp tỏ ra vô cùng thích thú và hào hứng.
Để thực hiện, lớp học được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm tiến hành thảo luận theo những nội dung khác nhau từ các câu hỏi mà giáo viên đặt ra. Các câu hỏi, ngoài kiến thức cũ còn đề cập đến kiến thức mới trong bài học. Sau vài phút thảo luận, mỗi nhóm lên trình bày những hiểu biết của mình, sau đó các nhóm khác bổ sung. Đồng thời, giáo viên liên tục đặt ra câu hỏi để học sinh “vỡ” ra kiến thức trong bài học và đi sâu giải quyết vấn đề “chế tạo ra cục pin sạc dự phòng theo nhu cầu của bản thân”.
“Học như thế này em cảm thấy rất thú vị, dù chỉ là lý thuyết nhưng lại không thấy khô khan chút nào. Bởi có thảo luận nhóm, có đưa ra hướng giải quyết vấn đề thực tiễn”, Minh Trúc (thành viên trong lớp) cho hay. Còn Trần Lâm Trung Tín (thành viên trong lớp) hào hứng cho biết trước giờ em không nghĩ pin sạc dự phòng lại được làm ra từ các kiến thức đơn giản như thế này. “Sau tiết học này em sẽ chế tạo ra một cục pin sạc dự phòng cho riêng mình, vừa nhỏ gọn, dung lượng cao mà giá thành lại rẻ”, Trung Tín hồ hởi nói.
Vẫn tại lớp 11CTin, giờ tin học với bài “Thực hành cấu trúc điều kiện” lại chứng kiến 4 bản “demo” (chạy thử - PV) của 4 nhóm về các sản phẩm máy bơm tự động cùng với những ứng dụng trong thực tế. Theo thầy Huỳnh Thúc Lâm (giáo viên môn tin học của trường), từ kiến thức trong bài học trước, ở bài học này, các em sẽ trình bày những ý tưởng thiết kế máy bơm của mình áp dụng cấu trúc rễ nhánh. Tận dụng từ những vật liệu tái chế như chai, lọ, dây điện…, mỗi nhóm đều sáng chế ra những sản phẩm ấn tượng: máy lọc nước hồ cá, mạch tưới cây tự động, máy bơm cho gia đình, hệ thống hồ cá tự động.
Với sản phẩm máy bơm cho gia đình, Hồ Lê Anh Minh (thành viên trong lớp) cho hay sản phẩm độc đáo ở chỗ cho phép đo khoảng cách mặt nước đến cảm biến siêu âm. Nếu khoảng cách lớn hơn 10cm thì sẽ tự động bơm nước đến 10cm sẽ dừng lại. Từ đó giúp việc bơm nước không bị tràn, tiết kiệm nước và thời gian cho người sử dụng. Anh Minh cho rằng học “cho ra sản phẩm” giúp kiến thức trở nên gần gũi khi áp dụng liền vào thực tế.
Say sưa theo dõi 2 tiết học của lớp 11CTin, cô Đỗ Thanh Mai (giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) tỏ ra vô cùng thích thú trước sự chủ động và sáng tạo của học sinh ngay trong việc tìm hiểu phương tiện để trang bị kiến thức. “Người giáo viên trong cả 2 tiết học dường như chỉ đóng vai trò là người đưa ra vấn đề, định hướng còn chính học sinh tự tìm tòi, giải đáp”, cô Thanh Mai nói.
Giáo viên phải thay đổi phương pháp
Thừa nhận những “hay ho” mà giáo dục STEM mang lại khi tạo ra được sự thích thú, lôi cuốn học sinh. Thế nhưng, thầy Nguyễn Anh Tú (giáo viên môn tin học Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp) tỏ ra băn khoăn về mặt thời gian và chi phí khi triển khai giáo dục STEM ở mỗi tiết học. Trong khi đó, cô Vũ Thị Thanh Thủy (giáo viên môn hóa học Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) lại cho hay bản thân còn “lấn cấn” trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh khi đưa giáo dục STEM vào môn học. Bên cạnh đó, cô Thanh Thủy cũng đặt ra phương thức cùng tính hiệu quả nếu triển khai giáo dục STEM ở những lớp học đông (từ 45 học sinh trở lên)… Tương tự, thầy Trần Ngọc Tú (giáo viên môn vật lý Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp) đưa ra quan điểm rằng nếu giáo dục STEM được triển khai rộng thì cần có các phương án giáo dục cho “nhóm học sinh không tinh hoa”, bởi dứt khoát STEM chỉ có thể tiệm cận có hiệu quả với học sinh tích cực, các “nhóm tinh hoa”…
Là đơn vị tiên phong trong việc đưa giáo dục STEM vào giảng dạy, thế nhưng, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định) cho biết các giáo viên trong trường vẫn vừa dạy và vừa học. Bởi STEM là phương pháp giáo dục còn khá mới, đặc biệt là áp dụng cho một chương trình sách giáo khoa còn cũ. “Chính sự hơi khập khiễng đó sẽ là áp lực đối với các thầy cô. Do đó, để mang STEM đến với học sinh trong từng môn học ở thời điểm hiện nay, thầy cô phải thay đổi rất nhiều. Nhất là trong tư duy phải luôn sẵn sàng chủ động lĩnh hội những điều mới”, cô Khánh Vân nói.
Tuy nhiên, theo cô Khánh Vân, hiện tại nhiều thầy cô vẫn đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục STEM và dạy học dự án. “Dự án là một phương pháp dạy học dài hơi, tốn nhiều thời gian và công sức. Còn giáo dục STEM lại có thể áp dụng ngay trong thời gian mỗi tiết học trên lớp. Giáo dục STEM là không hướng dẫn trước cho học sinh, để các em tự mày mò tìm hiểu, tự lĩnh hội kiến thức, còn giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở”, cô Khánh Vân thông tin.
Ngoài môn vật lý và tin học, trong “Hội giảng Liên môn định hướng giáo dục STEM”, giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố còn có dịp tham gia tiết học môn sinh học và hóa học.
Quang Long
Nguồn tin: www.giaoduc.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn