Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh

https://chuyenluongthevinh.edu.vn


Thiết bị thoát hiểm trong hỏa hoạn nhà cao tầng của học sinh Đồng Nai

Sản phẩm giúp người dân có thể dời khỏi các tầng chung cư khi có cháy xảy ra với giá thành rẻ. 

Những ngày cận Tết, khi sắc xuân tràn ngập phố phường, trong con hẻm nhỏ, hai cô cậu học trò vẫn miệt mài hoàn thiện thiết bị Thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng của mình. Đề tài sáng chế của Nguyễn Gia Khánh (lớp 10 Anh) cùng Nguyễn Khánh Như (lớp 11 Lý) trường THPT chuyên Lương Thế Vinh vừa đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông Đồng Nai 2019.

Khánh cho biết, ý tưởng sáng chế của mình đã bật lên khi nhìn thấy cảnh hò hét, vẫy tay của những nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina (TP HCM) năm ngoái. Vụ cháy đã khiến 13 người tử vong vì không thoát kịp, trong đó có một nữ nạn nhân bị té vì leo dây thang xuống. 

Khánh và Như trao đổi bên thiết bị thoát hiểm đa năng của mình. Ảnh: Yến Lê

Khánh và Như trao đổi bên thiết bị thoát hiểm đa năng của mình. Ảnh: Yến Lê.

Là học sinh chuyên Anh, không chuyên sâu về các nguyên lý hoạt động động cơ, Khánh cứ vò đầu suy nghĩ mãi làm sao để có thiết bị thoát hiểm trong hỏa hoạn nhà cao tầng. Tuy nhiên khi chia sẻ ý tưởng cho người chị lớp trên "cực mê Lý", thì Khánh nhận được cái gật đầu hợp tác. Vì theo Như, vấn đề này cũng là trăn trở của em bấy lâu nay.

Bắt tay vào chế tạo thiết bị, tưởng chừng đơn giản nhưng với hai "nhà khoa học nhí" thì có rất nhiều khó khăn, có nhiều lúc tưởng chừng như bỏ cuộc. Từ những thiết bị thoát hiểm có sẵn trên thị trường như: balô, thang dây..., cả hai thấy các thiết bị trên đều có ưu và nhược điểm riêng. "Vậy tại sao mình không khắc phục những nhược điểm ấy để tạo ra một thiết bị an toàn mà giá thành lại rẻ hơn", Khánh bộc bạch.

Sau 6 tháng nghiên cứu, mày mò lắp ráp từng khung inox, động cơ, dây cáp... cùng với sự hỗ trợ đắc lực của thầy giáo hướng dẫn, thiết bị thoát hiểm đa năng của nhóm Khánh cũng dần hoàn thiện. Sản phẩm nặng chừng 10 kg gồm 2 phần cơ khí và động cơ, hoạt động dựa trên nguyên lý ròng rọc. 

Mỗi khi có cháy xảy ra, thiết bị thoát hiểm sẽ được cố định một đầu tại ban công chung cư; phần thân chính của thiết bị có thể di chuyển lên xuống theo dây cáp với sự chịu lực 150 kg, ở nhiệt độ 1.400 độ C. "Nhóm em thiết kế chỗ ngồi bằng yên xe đạp, tích hợp tay vịn giống đang lái xe, nhằm giúp đơn giản và dễ sử dụng, hệ thống điều khiển cũng nằm ở tay cầm", Như chia sẻ thêm.

Về cơ chế hoạt động, Khánh cho biết khi muốn thoát hiểm, người dùng sẽ ngồi vào ghế rồi cố định bản thân bằng đai an toàn. Phần động cơ sẽ đi xuống theo sự điều khiển của mình. Ngoài ra, thiết bị còn có chế độ khóa trên không trung khi gặp sự cố nguy hiểm bất thường.

Để chứng minh cho khả năng thoát hiểm của thiết bị, Khánh đã xin ba mẹ và thầy cô cho thử với độ cao 6 m ở trường học. "Bố mẹ cũng lo lắm vì rất nguy hiểm, nên quá trình thử phải đặt phao bên dưới. Sau khi thấy tụi em thoát hiểm an toàn, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm", Khánh hóm hỉnh nhớ lại.

Để đảm bảo động cơ luôn hoạt động trong mọi trường hợp, thiết bị đi xuống sẽ tự động nạp pin. Với lượng pin này, động cơ thoát hiểm có thể quay trở lên để người khác tiếp tục sử dụng.

Sau khi đạt giải nhất cấp tỉnh, nhóm Khánh vẫn tiếp tục hoàn thiện hơn đề tài của mình nhằm mục đích tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, chắc chắn và hoạt động hiệu quả hơn. "Chúng em đang đưa một số cảm biến nhiệt độ, khoảng cách và đèn báo sáng để phát tín hiệu khi thiết bị vận hành và tiếp đất. Với chi phí hiện nay thì khoảng 5 triệu đồng một sản phẩm, sản xuất đại trà thì có thể ít hơn", Khánh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Hiệu phó Đại học Lạc Hồng, thành viên Ban giám khảo đánh giá thiết bị Thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng của nhóm Khánh có tính thực tiễn và bám sát nhu cầu cuộc sống.

"Ý tưởng không mới nhưng xét tiêu chí của cuộc thi giúp học sinh làm quen với nghiên cứu sáng chế, có tư duy phản biện trong các vấn để khoa học. Ở đề tài trên, tác giả đã biết phân tích, nắm rõ các vấn đề, kiến thức liên quan nên được ban giám khảo đánh giá cao", ông Quỳnh nói và cho biết thêm sản phẩm cũng đã được thử nghiệm, chứng minh được thiết kế là chính xác.

Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai dành cho học sinh trường THCS-THPT nhận được 172 đề tài trong các lĩnh vực: hóa sinh, kỹ thuật cơ khí, phần mềm hệ thống, khoa học xã hội và hành vi... Sau nhiều vòng thi và bảo vệ đề tài, ban tổ chức đã trao 3 giải nhất, 10 giải nhì, 29 giải ba và 38 giải tư. 

Phước Tuấn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây