Những sáng tạo khoa học - kỹ thuật độc đáo của học sinh (Bài 2)

Thứ năm - 14/02/2019 09:23
Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học (năm học 2018 - 2019) đã chọn ra 3 dự án xuất sắc để trao giải nhất. Không chỉ được đánh giá cao về tính sáng tạo, yếu tố khoa học, những dự án này còn mang đậm tính nhân văn.

Bài 2: Dùng công nghệ thực tế ảo giúp trẻ bại não phục hồi chức năng vận động

Hiểu được những thiệt thòi cả về thể chất và tinh thần của trẻ bị bại não, hai học sinh Nguyễn Đình Cường và Lâm Nguyễn Thanh Thảo (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phục hồi chức năng vận động chi trên cho trẻ bại não”. Bằng cách thiết kế trò chơi với công nghệ thực tế ảo, nhóm hy vọng mang đến cho trẻ bại não một phương tiện vui chơi, giải trí; đồng thời giúp các em có thể phục hồi chức năng vận động chi trên thông qua quá trình chơi.
Những sáng tạo khoa học - kỹ thuật độc đáo của học sinh (Bài 2)
“Thấu cảm” nỗi đau của trẻ bại não
 
Ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ bị bại não, chiếm từ 30 - 40% tổng số trẻ khuyết tật. Bại não thường để lại những khiếm khuyết nặng nề về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hằng ngày của trẻ và gia đình. Phương pháp xử trí cho trẻ bại não phổ biến nhất hiện nay là phục hồi chức năng (PHCN) thông qua vật lý trị liệu ở một số cở sở y tế, bệnh viện. Tại đây, trẻ thực hiện các bài tập dưới sự giám sát, đánh giá của đội ngũ y bác sĩ, điều trị viên, hộ lý... có trình độ chuyên môn cao, giúp quá trình tập luyện được diễn ra hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp trên để lại thách thức lớn đối với sự kiên nhẫn của trẻ bởi nó yêu cầu các em phải tập đi tập lại một động tác trong thời gian dài. Ngoài ra, phương pháp này cần một lực lượng hộ lý có chuyên môn để làm việc tương ứng với số lượng bệnh nhân, gây ra hiện trạng quá tải hoặc thiếu nhân lực ở một số bệnh viện hiện nay.
 
t10_250119_1.jpg
Lâm Nguyễn Thanh Thảo và Nguyễn Đình Cường (bìa phải) tập luyện trước khi bước vào phần thi thuyết trình
 
Trong khi đó, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) là công nghệ đầy hứa hẹn trong ngành Y tế, giúp ích cho công tác chữa bệnh, nghiên cứu lẫn quá trình hồi phục của bệnh nhân. Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu về tiềm năng của VR trong việc hỗ trợ phục hồi chức năng cho những bệnh nhân gặp hạn chế về vận động, bao gồm trẻ bại não. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trên sử dụng công cụ thực nghiệm là mô hình trò chơi vận động VR dành chung cho trẻ bình thường hoặc dành cho bệnh nhân gặp hạn chế về vận động nói chung, chứ chưa đưa ra mô hình bài tập PHCN kết hợp VR cụ thể dành riêng cho trẻ bại não; phù hợp và bám sát với những vấn đề khó khăn, hạn chế mà cơ thể của một trẻ bị bại não thường mắc phải.
 
Từ những thông tin trên, Nguyễn Ðình Cường và Lâm Nguyễn Thanh Thảo cho rằng việc tạo ra một mô hình bài tập PHCN kết hợp với VR dành riêng cho trẻ bại não để các em có thể tự tập tại nhà là vô cùng cần thiết. Ðồng thời, đây cũng là cơ hội để trẻ bại não được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi và khả năng của mình.
 
Thông qua ứng dụng của VR kết hợp với camera chiều sâu, trẻ bại não sẽ được phục hồi chức năng chủ yếu qua các hoạt động trị liệu kết hợp với trò chơi nhiều màu sắc, giúp các em có niềm hứng thú, tự giác tăng cường luyện tập thường xuyên tại nhà và tại bất kỳ không gian nào. Từ đó giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế hoặc người chăm sóc trẻ trong liệu trình vật lý trị liệu.
 
Phục hồi vận động bằng cách vui chơi
 
Ðối tượng mà nhóm tập trung nghiên cứu là bại não thể co cứng, liệt nửa người ở trẻ em và giới hạn trong độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Mục tiêu được đề ra là thông qua trò chơi, trẻ bại não vẫn có thể phục hồi một phần để cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Theo đó, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế mô hình bài tập kết hợp VR để phục hồi chức năng vận động chi trên cho trẻ bại não và bước đầu đánh giá về tính hiệu quả của mô hình này đối với các em. Với khách thể nghiên cứu là trẻ trong độ tuổi nêu trên, nhóm đã thiết kế nên các trò chơi có nhiều màu sắc, âm thanh nhằm kích thích sự hứng thú ở trẻ, khiến trẻ tập trung, chú ý từ đó vận động chi trên theo ý đồ của nhóm tác giả.
 
Không gian trò chơi lấy bối cảnh trong một khu rừng, gồm hình ảnh của một chiếc ná bắn chim, một chiếc bàn trưng bày nhiều loại trái cây khác nhau và một chú chim đang bay. Với các động tác được thiết kế trong trò chơi này, trẻ có thể dãn các cơ khuỷu tay và bàn tay nửa thân người bên liệt; thư giãn giảm gồng cho vai; giãn các cơ quanh khớp vai nửa thân người bên liệt; thư giãn giảm gồng cho bàn tay…
 
Với ý tưởng vừa khoa học, sáng tạo lại mang tính nhân văn cao cùng với sự chuẩn bị chu đáo, trình bày rõ ràng, mạch lạc, dự án “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phục hồi chức năng vận động chi trên cho trẻ bại não” đã trở thành một trong ba dự án đoạt giải nhất của cuộc thi KHKT cấp tỉnh vừa qua. Chia sẻ sau khi nhận giải, Nguyễn Ðình Cường cho biết: “Em cảm thấy vui và tự hào vì sau một thời gian nỗ lực cùng nhau làm việc bọn em đã có được kết quả xứng đáng”.
 
Còn Lâm Nguyễn Thanh Thảo thì xúc động cho hay: “Thông qua dự án này, chúng em muốn xóa bỏ những thiệt thòi của trẻ bại não so với các bạn đồng trang lứa. Em mong rằng trẻ bại não có thể tiếp cận được với việc vui chơi, giải trí thông qua công nghệ thực tế ảo. Ðồng thời, từ việc được vui chơi, các em có thể phục hồi được chức năng vận động chi trên để hòa nhập được với xã hội”.
 
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc thi
Trong khi các nhóm khác đang trình bày phần thuyết trình trước Hội đồng giám khảo thì Lâm Nguyễn Thanh Thảo và Nguyễn Đình Cường vẫn đang tập trung thuyết trình lần cuối trước các thầy cô giáo của mình. Không chỉ chuẩn bị chu đáo về kiến thức khoa học, quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài nghiêm túc, Thảo và Cường còn chú trọng những chi tiết nhỏ nhất cho phần dự thi của mình. Các em quan sát quá trình vận động của trẻ bại não; thậm chí mô phỏng theo những vận động này để hiểu được hết những khó khăn mà những trẻ em này gặp phải để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
 
Riêng Lâm Nguyễn Thanh Thảo, đây đã là lần thứ 3 em tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Năm ngoái, với đề tài “Thực trạng nhận thức về tư duy phản biện trên Facebook của học Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh”, em đã đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia. Năm nay, dự án mà Thanh Thảo thực hiện cùng với người bạn của mình hy vọng cũng sẽ đạt được thành tích tốt tại cuộc thi cấp quốc gia.
 
H. Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây